Nhân kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 – 26/3/2024) Ban chấp hành Công đoàn – Đoàn Thanh niên Công ty Thủy điện Trị An được sự đồng ý của Ban Giám đốc Công ty. Đoàn Thanh niên đã tổ chức “Hành trình về” nguồn tại Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi vào ngày 24/3/2024.
Đoàn Thanh niên Công ty tham gia chuyến tham quan
Đến với Địa đạo, về lại vùng “Đất thép thành đồng”, Đoàn viên Thanh niên, Công đoàn đã dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ và nghe thuyết minh tại Đền tưởng niệm Bến Dược, tham quan Địa đạo Bến Dược, khu tái hiện vùng giải phóng Củ Chi năm 1961 đến 1972. Khu truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định…
Đoàn thắp hương tưởng niệm, ghi nhớ công ơn của các Anh hùng
Củ Chi – mảnh đất được mệnh danh “Đất thép, thành đồng”, Địa đạo Củ Chi được đào từ năm 1946 và diễn ra trong suốt hơn 20 năm. Hệ thống Địa đạo có tổng chiều dài lên đến trên 200 km, với 3 tầng khác nhau cách mặt đất lần lượt khoảng 3m, 6m và 12m. Địa đạo tỏa rộng như mạng nhện trong lòng đất, bao gồm các công trình cần thiết cho chiến đấu và sinh hoạt như chiến hào, ổ chiến đấu, hầm ăn, ngủ, hội họp, bếp, giếng nước,… Nhờ vào kiến trúc chằng chịt, biến hóa linh hoạt, Địa đạo Củ Chi là cứ địa vững chắc của Khu ủy Quân khu, Bộ tư lệnh Sài Gòn – Gia Định. Đây là một hệ thống phòng ngự vững chãi của quân và dân ta và gây nhiều khó khăn cho quân địch. Dù cho địch đã dùng rất nhiều phương pháp nhằm tìm diệt và triệt phá Địa đạo như: dùng bom, dùng xe cơ giới, dùng nước, dùng chất độc, dùng đội quân “chuột cống, dùng chó nghiệp vụ,… nhưng tất cả đều thất bại.” Nơi đây ghi dấu nhiều thành quả sáng tạo của quân dân Củ Chi như bếp dã chiến Hoàng Cầm mang tên người sáng tạo ra loại bếp này, được sử dụng phổ biến trong Địa đạo.
Đoàn đã được nghe các hướng dẫn viên kể lại những ngày tháng gian khổ, sống trong mưa bom bão đạn của kẻ thù
Từng đoàn viên, thanh niên được tận mắt chứng kiến sự quy mô, kỳ vỹ của công trình khi trực tiếp tham quan Địa đạo, cảm giác sống và chiến đấu như quân và dân Củ Chi dưới hàng chục mét đất sâu, qua đó hiểu rõ hơn nghị lực bền bỉ của ý chí kiên cường và lòng yêu nước mãnh liệt của nhân dân ta.
Trải nghiệm cảm giác ẩn náu dưới lòng đất
Kết thúc một chuyến đi vô cùng ý nghĩa, tất cả các đoàn viên, thanh niên đều cảm nhận được niềm tự hào dân tộc, khâm phục ý chí đấu tranh kiên cường bất khuất của quân dân Việt Nam trong những cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm để giành độc lập dân tộc.
Bài: Tuấn, Hà (P. KTAT)